Bé biếng ăn khiến các ông bố bà mẹ lo lắng cho sức khỏe của bé yêu. Vì khi trẻ biếng ăn sẽ không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về mặt thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Vậy để giúp cải thiện chứng biếng ăn của trẻ, trước hết các bậc phụ huynh cần hiểu được nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn?
Trẻ biếng ăn do không hợp khẩu vị
Bố mẹ thường nghĩ, chỉ những loại thức ăn như: thịt, trứng, cá, sữa . . . mới tốt, mới cung cấp đủ các dưỡng chất cho bé mà tạo thực đơn cho bé lặp đi lặp lại những thực phẩm này. Điều này đã góp phần nên chứng biếng ăn của trẻ mà bố mẹ không hề hay biết.
Trên thực tế, các bé cũng giống như người lớn, không những cần đa dạng về món ăn mà cũng cần cả nguồn thực phẩm làm nên món ăn đó. Sự đa dạng về nguồn thực phẩm sẽ giúp bé nhận ra nhiều món ăn hợp khẩu vị của mình hơn. Bố mẹ cũng phần nào giúp con cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng mà không khiến con yêu "chán" ăn.
Bị ép ăn, tạo nên tâm lý sợ ăn
Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là lo lắng con còi, con không ăn được nhiều nên thường bắt ép bé ăn mỗi ngày mà không để ý đến nhu cầu của trẻ. Chính việc làm này, các mẹ đã vô tình khiến các bé cảm thấy mỗi bữa ăn như một cuộc tra tấn, khiến các bé sợ mỗi khi đến giờ ăn. Bé sẽ chạy trốn hay phản ứng ngược lại để "phòng vệ", chứng biếng ăn sẽ từ đây mà thành thói quen của trẻ.
Ý hay cho mẹ là hãy để bé có một bữa ăn tự nhiên với không khí thoải mái, sinh hoạt cùng gia đình hay cùng bạn nhỏ cùng tuổi. Một trạng thái tâm lý tốt sẽ kích thích cơ thể bài tiết các men tiêu hóa giúp con tiêu hóa tốt hơn, ăn ngon miệng hơn.
Trẻ hay ăn uống vặt và ăn không đúng bữa
Vì dỗ trẻ mẹ liền đưa các đồ ăn vặt từ bánh ngọt, bim bim, váng sữa cho đến nước ngọt cho bé. Và điều này sẽ làm tăng đường huyết và khiến bé ngang dạ không muốn ăn, gây thiếu hụt chất dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn đúng giờ mỗi ngày sẽ khiến bé hình thành thói quen tốt. Bé sẽ đói và đòi ăn một cách tự nhiên mà mẹ không cần phải lo lắng.
Trẻ biếng ăn do nhiễm kí sinh trùng đường ruột.
Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột: giun đũa, giun kim, giun móc, sán,… thường xanh xao, chán ăn. Mẹ nên tẩy giun cho con định kỳ 6 tháng một lần từ khi 2 tuổi trở lên và chú ý đảm bảo vệ sinh trong ăn uống cũng như nơi ở để phòng nhiễm giun, sán cho cả nhà.
Thiếu một số vitamin dẫn đến trẻ biếng ăn
Vitamin và một số yếu tố vi lượng (sắt, kẽm,…) tham gia hình thành các men tiêu hoá cũng như quá trình chuyển hoá, hấp thu thức ăn. Các chất dinh dưỡng này được cung cấp từ các loại thực phẩm bổ sung hàng ngày nhưng do trẻ lười ăn, ăn ít hoặc ăn kiêng nên bị thiếu. Mẹ bổ sung vitamin và vi chất dinh dưỡng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ cũng có thể cải thiện được tình trạng chán ăn của bé, nhưng chú ý không bổ sung kéo dài tránh gây thừa, có hại.
Trẻ đang bị bệnh sẽ biếng ăn
Bé bị bệnh thì thường mệt mỏi và chán ăn. Lúc này, việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng để trẻ tăng đề kháng, mau khỏi bệnh là điều cực kỳ cần thiết. Thức ăn bổ sung nên chọn loại bé ưa thích, mềm và giàu dinh dưỡng để bé dễ ăn và dễ tiêu hóa, hấp thu. Mẹ cũng cần kiên trì dỗ bé ăn từng ít một, bổ sung thành nhiều bữa để đảm nhu cầu dinh dưỡng của con.
Nếu loại bỏ các nguyên nhân trên rồi mà bé vẫn biếng ăn thì có thể do bé thiếu men tiêu hoá. Biểu hiện của tình trạng này là bé đi ngoài phân sống. Bố mẹ có thể bổ sung các loại men tiêu hóa nhưng chú ý phải theo chỉ định của bác sỹ. Mẹ tiêu hóa chỉ nên bổ sung trong 1-2 tuần, không bổ sung kéo dài vì nguy cơ gây ức chế các tuyến tiêu hóa sản xuất men trong cơ thể. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, mẹ nên bổ sung thêm sữa chua hàng ngày.
Muốn cho bé hay ăn chóng lớn, bố mẹ cần quan tâm chăm sóc một cách chu đáo, cẩn thận, khoa học, cung cấp cho bé những bữa ăn đủ dinh dưỡng, ngon miệng. Khi bé biếng ăn, cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục, đặc biệt chú ý đến yếu tố tâm lí của bé.
Xem thêm:
Xem thêm:
0 nhận xét :
Đăng nhận xét